Đăng ký tạm trú là nghĩa vụ bắt buộc khi công dân đến sinh sống tại nơi ở mới ngoài địa bàn xã nơi đăng ký thường trú. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít trường hợp người thuê trọ và cả chủ nhà chưa thực hiện đúng quy định này. Vậy nếu không đăng ký tạm trú, ai là người bị xử phạt? Mức phạt cụ thể như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các quy định pháp luật hiện hành.
1. Không đăng ký tạm trú thì chủ trọ hay người thuê bị phạt? Mức phạt cao nhất khi không đăng ký tạm trú là bao nhiêu?
Theo Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:
- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
- Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
- Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật Cư trú 2020
Theo đó, người thuê trọ là người có trách nhiệm đăng ký tạm trú. Tuy nhiên chủ nhà vẫn có thể đăng ký tạm trú cho người thuê.
Theo Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định pháp luật không nêu rõ người thuê trọ hay người chủ trọ sẽ bị phạt khi không đăng ký tạm trú. Do đó, cả người chủ trọ và người thuê trọ đều có thể là người bị phạt nếu không đăng ký tạm trú.
Mức phạt đối với trường hợp không đăng ký tạm trú là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Mức phạt cao nhất nếu không đăng ký tạm trú đối với cá nhân là 1.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nếu rên áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
2. Thủ tục đăng ký tạm trú bao gồm những bước nào?
Căn cứ theo Điều 28 Luật Cư trú 2020 quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú như sau:
(1) Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
(2) Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(3) Trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.
Hồ sơ, thủ tục gia hạn tạm trú thực hiện theo quy định tại (1) và (2). Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về thời hạn tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Những loại giấy tờ, tài liệu nào chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú?
Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
- Một trong những giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 154/2024/NĐ-CP, trừ trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì văn bản đó không phải công chứng hoặc chứng thực;
- Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình, không có tranh chấp về quyền sử dụng và đang sinh sống ổn định, lâu dài tại chỗ ở đó nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm a khoản này. Nội dung văn bản cam kết bao gồm: Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân; nơi cư trú; thông tin về chỗ ở đề nghị đăng ký tạm trú và cam kết của công dân;
- Giấy tờ, tài liệu của chủ sở hữu cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở khác có chức năng lưu trú cho phép cá nhân được đăng ký tạm trú tại cơ sở đó;
- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cho phép người lao động được đăng ký tạm trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình, công trường xây dựng, ký túc xá, làng nghề, cơ sở, tổ chức sản xuất kinh doanh cho phép người lao động được đăng ký tạm trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.