Tất cả sản phẩm

Từ ngày 1.7.2025, Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 chính thức có hiệu lực và đưa vào thi hành. Một trong những thay đổi quan trọng là quy định về điều kiện để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào. Cụ thể sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây: Căn cứ tại Khoản 2, Điều 14, Luật Giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương III Nghị định 181/2025/NĐ-CP quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau: - Có hóa đơn GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài theo quy định. - Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 05 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ (quy định tại khoản 2 điều 26 Nghị định 181/2025/NĐ-CP). - Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định còn phải có: + Hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung cấp dịch vụ + Hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ + Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt + Tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu (trừ trường hợp không cần phải có tờ khai hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan) + Phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa (nếu có). Công thức tính thuế GTGT phải nộp: Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ (Thuế GTGT đầu ra = Tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT; Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ = Tổng số thuế GTGT đã trả khi mua hàng hóa, dịch vụ dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh). Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.
Việc một người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng đã sinh con là tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Trong trường hợp này, nhiều người thắc mắc: Liệu có được đăng ký khai sinh cho con không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp rõ ràng về vấn đề này dưới góc độ pháp luật hiện hành. 1. Điều kiện để kết hôn là bao nhiêu tuổi? Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau: 1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự; d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. Theo như phân tích trên bạn gái chưa đủ 18 tuổi. Độ tuổi chưa đủ để kết hôn. Nếu như chưa đủ tuổi mà kết hôn được xác định là vi phạm pháp luật. 2. Có được khai sinh cho con khi chưa đủ tuổi kết hôn không? Theo Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có xác định cháu bé là con chung của vợ chồng được sinh ra trước khi kết hôn nhưng được cha mẹ thừa nhận: 1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Mọi trẻ em sinh ra có quyền được đăng ký khai sinh, do đó cháu bé hoàn toàn có quyền đăng ký khai sinh. Căn cứ khoản 2, Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ như sau: 2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống. 3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này. Theo đó, lúc này, chồng của bạn sẽ điền thông tin vào tờ khai nhận con, và đồng thời xuất trình chứng cứ chứng minh quan hệ cha con. Như vậy, theo các quy định trên thì thủ tục khai sinh cho con không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ cho nên bạn có thể đăng ký khai sinh cho con. Khi khai sinh thì theo quy định của Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn không bắt buộc phải thực hiện thủ tục nhận con thì con mới được mang họ cha. Nếu chồng bạn có yêu cầu được nhận cha, con thì thủ tục được thực hiện như sau tại khoản 2, Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP như sau: 1. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con. Trường hợp đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con mà một bên có yêu cầu là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam. 2. Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm: a) Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định; b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch; c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này. Như vậy, trong trường hợp này, bạn và chồng bạn sẽ thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con và thủ tục nhận con đồng thời theo trình tự và những giấy tờ như trên. Thủ tục này bạn và chồng bạn thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn hoặc chồng bạn cư trú. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.
Trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, thể hiện thái độ cương quyết của Nhà nước trong việc xử lý những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hại nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, cùng với xu hướng cải cách tư pháp và bảo đảm quyền con người, pháp luật hiện hành đã có sự điều chỉnh bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình với người ung thu giai đoạn  nhằm thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự. Cụ thể như sau: 1. Tử hình là gì? Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật hình sự quy định. Đây là hình phạt mang tính răn đe và thể hiện thái độ nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, xã hội và tính mạng, sức khỏe con người. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính sách hình sự của Việt Nam đang từng bước nhân đạo hóa hình phạt tử hình, thể hiện rõ xu hướng thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này cả về loại tội và đối tượng. 2. Không thi hành tử hình đối với người mắc ung thu giai đoạn cuối Theo đó, khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2025 đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; - Người đủ 75 tuổi trở lên; - Người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Trước đó, khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; - Người đủ 75 tuổi trở lên; - Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2025 đã bổ sung quy định không thi hành án tử hình đối với người bị ung thư giai đoạn cuối đối với người bị kết án. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.
Từ ngày 1/7/2025, Nghị định số 117/2025/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ, cá nhân chính thức có hiệu lực. Luật quy định cụ thể về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của cá nhân kinh doanh. Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng nhằm minh bạch hóa nghĩa vụ thuế trong lĩnh vực kinh doanh số, góp phần chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin pháp lý mà cá nhân kinh doanh online cần lưu ý: 1. Các sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán chính thức phải khai, nộp thuế cho cá nhân Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 117/2025/NĐ-CP, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong và ngoài nước thuộc đối tượng khấu trừ, nộp thuế thay (bao gồm chủ sở hữu trực tiếp quản lý nền tảng thương mại điện tử hoặc người được ủy quyền quản lý nền tảng thương mại điện tử) có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay như sau: - Thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mỗi giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ phát sinh doanh thu ở trong nước. - Thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay hộ, cá nhân cư trú số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với mỗi giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ phát sinh doanh thu: trong và ngoài nước của cá nhân cư trú; và trong nước của cá nhân không cư trú. 2. Sàn thương mại điện tử khấu trừ thuế cho cá nhân kinh doanh ngay khi thanh toán Theo khoản 1, Điều 5, Nghị định 117/2025/NĐ-CP, thời điểm sàn TMĐT khấu trừ thuế cho hộ, cá nhân knh doanh là ngay khi xác nhận giao dịch thành công và chấp nhận thanh toán đối với giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng thương mại điện tử cho hộ, cá nhân. 3. Cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử không có chức năng thanh toán phải tự kê khai, nộp thuế Theo Điều 8 và Điều 9, Nghị định 117/2025/NĐ-CP, có quy định cá nhân cư trú/ không cư trú có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT không có chức năng thanh toán sẽ phải tự trực tiếp thực hiện nộp thuế đối với hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng TMĐT theo tỷ lệ % trên doanh thu.      Tỷ lệ % tính thuế GTGT thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT như sau:  - Hàng hóa: 1% - Dịch vụ: 5% - Vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa: 3%     Tỷ lệ % tính thuế TNCN được thực hiện theo quy định của Luật Thuế TNCN như sau: - Đối với cá nhân cư trú: Hàng hóa (0,5%); Dịch vụ (2%); Vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa (1,5%) - Đối với cá nhân không cư trú: Hàng hóa (1%); Dịch vụ (5%); Vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa (2%) Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.  
Từ năm 2025, nhiều quy định mới trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực, trong đó có nội dung đáng chú ý liên quan đến việc cấp đổi giấy phép lái xe. Theo quy định mới, người vi phạm giao thông nhưng chưa nộp phạt sẽ không được cấp, đổi hoặc cấp lại giấy phép lái xe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về quy định này, điều kiện cấp đổi bằng lái xe và các thủ tục liên quan theo pháp luật hiện hành. 1. Không được cấp đổi bằng lái xe khi không nộp phạt vi phạm giao thông Theo điểm d khoản 2 Điều 43 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về trách nhiệm của cơ sở đăng kiểm, chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng như sau: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì chưa được giải quyết việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện vi phạm. Cùng với đó, khoản 4 Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về cấp, đổi, cấp lại và thu hồi giấy phép lái xe như sau: Chưa cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi người đó chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Như vậy, đối với phương tiện giao thông mà người vi phạm hoặc chủ phương tiện chưa chấp hành xử lý vi phạm hành chính thì chưa được giải quyết việc đăng ký, đăng kiểm. Người vi phạm chưa được cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe khi người đó chưa chấp hành việc xử lý vi phạm hành chính. 2. Quy định mới về thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe từ năm 2025 2.1 Điều kiện đổi giấy phép lái xe Theo Điều 21 Thông tư 12/2025/TT-BCA, người lái xe được phép đổi giấy phép lái xe trong các trường hợp sau: Người Việt Nam, người nước ngoài được sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại Việt Nam;  Người có giấy phép lái xe bị hỏng không còn sử dụng được;  Người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú ở Việt Nam đã có giấy phép lái xe Việt Nam đổi từ giấy phép lái xe nước ngoài, khi hết hạn nếu có nhu cầu được đổi giấy phép lái xe;  Trường hợp ngày, tháng, năm sinh, họ, tên, tên đệm, quốc tịch, nơi sinh, nơi cư trú ghi trên giấy phép lái xe có sai lệch với căn cước công dân hoặc căn cước thì cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đổi giấy phép lái xe mới phù hợp với thông tin ghi trong căn cước công dân hoặc căn cước;  Người có nhu cầu tích hợp giấy phép lái xe không thời hạn với giấy phép lái xe có thời hạn;  Trường hợp không được đổi giấy phép lái xe: Người đề nghị đổi giấy phép lái xe không còn giấy phép lái xe đã được cấp và thông tin giấy phép lái xe không có trong hệ thống thông tin giấy phép lái xe của Cục Cảnh sát giao thông hoặc không có bảng kê danh sách cấp giấy phép lái xe (sổ quản lý); Người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 2.2 Hồ sơ đổi giấy phép lái xe Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe (Phụ lục XII Thông tư 12/2025/TT-BCA); Giấy khám sức khỏe (trừ người có giấy phép lái xe hạng A1, A, B1); Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (nếu là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài); Các giấy tờ khác thể hiện thông tin quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 Thông tư 12/2025/TT-BCA. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.
Từ ngày 01/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ chính thức áp dụng, mang đến những thay đổi quan trọng trong việc điều chỉnh mức lương hưu, với trọng tâm là hỗ trợ những người có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995. Mục tiêu là thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa các thời kỳ, đảm bảo công bằng và cải thiện đời sống cho người thụ hưởng. Bài viết dưới đây sẽ trình bày chi tiết các quy định về mức lương hưu hằng tháng và việc điều chỉnh lương hưu theo luật mới. I. Mức lương hưu hằng tháng Đối với lao động nữ: Bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (theo Điều 104) tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Cứ thêm mỗi năm đóng, tính thêm 2%, mức tối đa là 75%. Đối với lao động nam: Bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (theo Điều 104) tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Cứ thêm mỗi năm đóng, tính thêm 2%, mức tối đa là 75%. Trường hợp lao động nam đóng từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (theo Điều 104) tương ứng với 15 năm, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%. II. Điều chỉnh lương hưu Theo Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, việc điều chỉnh lương hưu được quy định như sau: Lương hưu được điều chỉnh dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa các thời kỳ. Chính phủ sẽ quy định cụ thể về thời điểm, đối tượng và mức điều chỉnh lương hưu. Như vậy, từ ngày 1/7/2025, việc điều chỉnh lương hưu sẽ tập trung vào việc đảm bảo quyền lợi cho những người có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995, góp phần giảm thiểu sự chênh lệch giữa các nhóm người thụ hưởng. Lưu ý: Việc điều chỉnh lương hưu sẽ dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, đồng thời cân nhắc khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.
Chủ trương tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, bao gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố) sẽ chính thức được triển khai từ ngày 01/7/2025. Sự thay đổi này kéo theo nhiều điều chỉnh trong quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) lần đầu, được quy định chi tiết tại Mục C Phần V Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP. 1. Đối với tổ chức sử dụng đất theo các trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất Đối với các tổ chức sử dụng đất theo quy định tại Điều 118 và khoản 3 Điều 120 Luật Đất đai, hoặc các trường hợp tại Điều 119 và khoản 2 Điều 120 Luật Đất đai mà được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê theo quy định của Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp xã sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. 2. Đối với cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận thừa kế Sau khi nhận được thông báo từ cơ quan thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính, UBND cấp xã sẽ thực hiện các nhiệm vụ sau: Cấp Giấy chứng nhận: Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trao Giấy chứng nhận: Trực tiếp trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Chuyển hồ sơ: Gửi bản sao Giấy chứng nhận đã cấp đến Văn phòng đăng ký đất đai để lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai. 3. Đối với tổ chức sử dụng đất không được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất Đối với các tổ chức sử dụng đất theo Điều 119, khoản 2 Điều 120 Luật Đất đai nhưng không thuộc trường hợp được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh sẽ thực hiện các nhiệm vụ sau khi nhận được thông báo hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ cơ quan thuế: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trao Giấy chứng nhận và lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai. 4. Đối với trường hợp đã có Thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có Thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và có nhu cầu cấp sổ đỏ sẽ thực hiện như sau: Nộp hồ sơ: Người sử dụng đất nộp Thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và Đơn đăng ký theo Mẫu số 15 ban hành kèm theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP đến Bộ phận Một cửa. Cơ quan tiếp nhận sẽ chuyển hồ sơ đến UBND cấp xã nơi có đất. Xử lý hồ sơ: Nếu Thông báo xác nhận đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận và không thuộc các trường hợp quy định tại điểm đ và e khoản 1 Điều 151 Luật Đất đai, cơ quan quản lý đất đai cấp xã gửi Phiếu chuyển thông tin (theo Mẫu số 19) đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính. Nếu Thông báo xác nhận không đủ điều kiện, cơ quan quản lý đất đai cấp xã thực hiện các công việc theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g Mục 3 Phần II của Phần C trong Nghị định. Thực hiện cấp Giấy chứng nhận: UBND cấp xã thực hiện các công việc theo Mục 1 Phần V của Nghị định. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.
Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến việc cấp và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, có những điểm thay đổi lớn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu người dân trên cả nước. Những điều chỉnh này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa hệ thống bảo hiểm y tế, mà còn thể hiện rõ định hướng mở rộng an sinh xã hội của Nhà nước. 1. Thẻ BHYT điện tử thay thế thẻ giấy Theo quy định mới, mỗi công dân sẽ được cấp một mã số BHYT duy nhất, thay thế cho quy định trước đây là “mỗi người chỉ được cấp một thẻ”. Mã số này sẽ được tích hợp trên các nền tảng số như VssID, VNeID hoặc thẻ căn cước công dân gắn chip. Từ ngày 1/6/2025, cơ quan chức năng sẽ ngừng cấp thẻ BHYT giấy mới và khuyến khích người dân sử dụng thẻ BHYT điện tử. Thẻ điện tử có giá trị pháp lý tương đương thẻ giấy, đồng thời sử dụng công nghệ sinh trắc học để xác thực, giúp hạn chế gian lận, nâng cao tính an toàn và tạo thuận lợi cho người tham gia khi đi khám chữa bệnh. Đối với các trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, người ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện sử dụng phương thức điện tử, vẫn có thể được cấp thẻ BHYT giấy. 2. Mở rộng nhóm được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng mới được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí mua thẻ BHYT, bao gồm: Dân quân thường trực tại địa phương, tham gia huấn luyện, đảm bảo an ninh, phòng dịch và phòng chống thiên tai Người từ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; người từ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo, cũng đang hưởng trợ cấp tuất Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng nhưng không có lương hưu Lao động chưa đến tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và không đủ điều kiện nhận lương hưu, nhưng đang được hưởng trợ cấp hằng tháng Việc bổ sung này nâng tổng số nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% phí tham gia BHYT lên 20 nhóm, phản ánh chính sách mở rộng diện bao phủ an sinh cho những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.
Từ ngày 01/7/2025, theo quy định của Luật Công chứng 2024 và Nghị định 104/2025/NĐ-CP, loại hình Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân sẽ được chính thức thừa nhận và cho phép tổ chức hoạt động trong một số trường hợp cụ thể. Đây là điểm mới quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới công chứng tại các địa bàn còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực, đồng thời góp phần tăng tính linh hoạt trong mô hình tổ chức hành nghề công chứng. 1. Quy định chính thức về loại hình Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân Căn cứ khoản 1 Điều 23 Luật Công chứng 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động chủ yếu theo loại hình công ty hợp danh. Tuy nhiên, đối với các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển, và gặp khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, pháp luật cho phép được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Theo quy định này, Văn phòng công chứng tổ chức theo mô hình doanh nghiệp tư nhân phải do một công chứng viên đã hành nghề từ đủ 02 năm trở lên thành lập và người này đồng thời là Trưởng Văn phòng công chứng kiêm chủ doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, khoản 1 Điều 17 Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định cụ thể rằng việc áp dụng loại hình doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh sẽ căn cứ vào danh mục địa bàn cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Điều này góp phần tạo khung pháp lý rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương. Như vậy, từ ngày 01/7/2025, Văn phòng công chứng có thể được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng điều kiện pháp luật quy định. 2. Điều kiện chuyển đổi từ Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh Theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 104/2025/NĐ-CP, việc chuyển đổi từ Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân sang mô hình công ty hợp danh cần đáp ứng các điều kiện sau: a) Văn phòng công chứng không thuộc trường hợp đang tạm ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi quyết định cho phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động tại thời điểm đề nghị chuyển đổi; b) Trưởng Văn phòng công chứng phải có cam kết bằng văn bản về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản chưa thanh toán, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khi đến hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với các thành viên hợp danh dự kiến; c) Các thành viên hợp danh dự kiến phải có văn bản thỏa thuận tiếp tục thực hiện các công việc công chứng đang xử lý, các giao dịch chưa kết thúc, cũng như tiếp nhận người lao động hiện có; d) Văn phòng công chứng sau chuyển đổi phải có trụ sở đặt tại cùng địa bàn cấp xã với Văn phòng công chứng trước chuyển đổi. Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 104/2025/NĐ-CP, pháp luật không cho phép chuyển đổi ngược lại, tức là Văn phòng công chứng tổ chức theo mô hình công ty hợp danh không được chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp tư nhân. 3. Hồ sơ đề nghị chuyển đổi Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân thành công ty hợp danh Khoản 4 Điều 17 Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị chuyển đổi gồm các giấy tờ sau: a) Đơn đề nghị chuyển đổi, trong đó trình bày rõ việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyển đổi; b) Quyết định bổ nhiệm của các công chứng viên hợp danh dự kiến và giấy tờ chứng minh công chứng viên dự kiến làm Trưởng Văn phòng đã hành nghề từ đủ 02 năm trở lên; c) Dự thảo Điều lệ của Văn phòng công chứng theo mô hình công ty hợp danh; d) Các văn bản cam kết và thỏa thuận về nghĩa vụ tài chính, tiếp nhận nhân sự, giải quyết hồ sơ còn tồn theo quy định tại khoản 3 Điều này. Giấy tờ tại điểm b phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử hợp lệ. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.
Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, mang đến nhiều thay đổi quan trọng nhằm mở rộng diện bao phủ, tăng cường quyền lợi cho người tham gia và nâng cao tính hấp dẫn của hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH). Những điều chỉnh này không chỉ giúp người lao động tiếp cận dễ dàng hơn với các chế độ bảo hiểm, mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững trong bối cảnh già hóa dân số và sự biến đổi linh hoạt của thị trường lao động. Dưới đây là những điểm mới nổi bật: 1. Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu Một trong những thay đổi quan trọng nhất là việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 64. Điều này giúp mở rộng cơ hội tiếp cận chế độ hưu trí cho nhiều người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong khu vực phi chính thức, làm việc gián đoạn hoặc đã cao tuổi mới bắt đầu tham gia BHXH. Với quy định mới, chỉ cần đủ 15 năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, người lao động sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng. 2. Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện Luật mới lần đầu tiên đưa chế độ thai sản vào trong chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện, nếu đáp ứng điều kiện, sẽ được nhận trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho mỗi con khi sinh. Khoản trợ cấp này được chi trả từ ngân sách nhà nước, người lao động không phải đóng thêm tiền so với mức đóng BHXH tự nguyện hiện hành. Đây là bước tiến mới, thể hiện sự quan tâm đến quyền lợi phụ nữ và người lao động có hoàn cảnh khó khăn. 3. Mở rộng đối tượng được tham gia BHXH Luật BHXH 2024 mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Các nhóm mới được đưa vào bao gồm: Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố Người lao động làm việc không trọn thời gian Người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương Việc mở rộng đối tượng nhằm đảm bảo nguyên tắc mọi người lao động có việc làm và thu nhập đều được tiếp cận với BHXH, góp phần hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân. 4. Giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội Trợ cấp hưu trí xã hội là khoản trợ cấp hàng tháng dành cho người cao tuổi không có lương hưu hay trợ cấp BHXH. Theo luật mới, độ tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp này được giảm từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi. Riêng người thuộc hộ nghèo và cận nghèo sẽ được hưởng trợ cấp sớm hơn, từ 70 tuổi. Quy định này thể hiện sự quan tâm thiết thực của Nhà nước với người cao tuổi không có nguồn thu ổn định. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.
Từ ngày 01/7/2025, Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách thuế GTGT tại Việt Nam. Dưới đây là tổng hợp các điểm mới cần lưu ý: 1. Điều chỉnh đối tượng không chịu thuế GTGT Luật mới đã lược bỏ một số hàng hóa và dịch vụ từng thuộc diện không chịu thuế GTGT theo quy định cũ, bao gồm: Phân bón Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp Tàu đánh bắt xa bờ Lưu ký chứng khoán, tổ chức thị trường chứng khoán, kinh doanh chứng khoán khác Ngoài ra, sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản đã chế biến phải áp dụng theo danh mục do Chính phủ quy định thay vì dựa theo tỷ trọng giá thành như trước đây. Đồng thời, luật cũng bổ sung đối tượng không chịu thuế là hàng hóa nhập khẩu để ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng chống thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ. 2. Thay đổi quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu Luật thuế GTGT 2024 quy định giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu gồm: trị giá tính thuế nhập khẩu (theo luật thuế xuất nhập khẩu) cộng với thuế nhập khẩu, các khoản thuế nhập khẩu bổ sung (nếu có), thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Quy định này thay thế cách tính trước đây vốn chỉ dựa vào giá nhập khẩu tại cửa khẩu. 3. Bổ sung quy định về giá tính thuế với hàng hóa, dịch vụ khuyến mại Giá tính thuế đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại đúng quy định của pháp luật thương mại được xác định bằng 0. Đây là điểm mới hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại minh bạch và đơn giản hơn về thuế. 4. Điều chỉnh thuế suất GTGT của một số mặt hàng Một số hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh lại thuế suất như sau: Chuyển từ không chịu thuế sang thuế suất 5%: phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng biển Chuyển từ thuế suất 5% sang 10%: lâm sản chưa qua chế biến, đường và phụ phẩm từ sản xuất đường (gỉ đường, bã mía, bã bùn), thiết bị chuyên dùng cho giảng dạy – nghiên cứu – thí nghiệm, hoạt động văn hóa – thể thao – triển lãm – biểu diễn nghệ thuật – sản xuất và chiếu phim 5. Bổ sung đối tượng áp dụng thuế suất 0% Luật mới bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ được áp dụng mức thuế suất 0%, bao gồm: Vận tải quốc tế Công trình xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài hoặc trong khu phi thuế quan Hàng hóa bán tại khu cách ly hoặc cửa hàng miễn thuế cho người xuất cảnh Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải sử dụng ngoài lãnh thổ Việt Nam Dịch vụ hàng không, hàng hải phục vụ vận tải quốc tế (trực tiếp hoặc qua đại lý) Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.  
Theo Nghị quyết sáp nhập tỉnh năm 2025 được Quốc hội chính thức thông qua ngày 12/6/2025, Việt Nam sẽ có tổng cộng 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm: I. 11 tỉnh, thành được giữ nguyên Thành phố Hà Nội Thành phố Huế Tỉnh Lai Châu Tỉnh Điện Biên Tỉnh Sơn La Tỉnh Lạng Sơn Tỉnh Quảng Ninh Tỉnh Thanh Hóa Tỉnh Nghệ An Tỉnh Hà Tĩnh Tỉnh Cao Bằng Tỉnh Tuyên Quang (sáp nhập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang) Tỉnh Lào Cai (sáp nhập tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái) Tỉnh Thái Nguyên (sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn) Tỉnh Phú Thọ (sáp nhập các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Vĩnh Phúc) Tỉnh Bắc Ninh (sáp nhập tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang) Tỉnh Hưng Yên (sáp nhập tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình) Thành phố Hải Phòng (sáp nhập tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng) Tỉnh Ninh Bình (sáp nhập tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam) Tỉnh Quảng Trị (sáp nhập tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình) Thành phố Đà Nẵng (sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng) Tỉnh Quảng Ngãi (sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum) Tỉnh Gia Lai (sáp nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định) Tỉnh Khánh Hòa (sáp nhập tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận) Tỉnh Lâm Đồng (sáp nhập tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông) Tỉnh Đắk Lắk (sáp nhập tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên) Thành phố Hồ Chí Minh (sáp nhập thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Tỉnh Đồng Nai (sáp nhập tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước) Tỉnh Tây Ninh (sáp nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An) Thành phố Cần Thơ (sáp nhập thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang) Tỉnh Vĩnh Long (sáp nhập tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre) Tỉnh Đồng Tháp (sáp nhập tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang) Tỉnh Cà Mau (sáp nhập tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu) Tỉnh An Giang (sáp nhập tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang) Việc sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về kinh tế – xã hội, hạ tầng và nguồn lực. Đây là một bước đi chiến lược trong tiến trình đổi mới tổ chức bộ máy, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển bền vững, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo quốc phòng – an ninh và nâng cao đời sống nhân dân. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Phương Bình. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ: 0927.625.666 để được Luật sư tư vấn.
 
hotline 0927625666